TƯ TƯỞNG VỀ GIÁO DỤC

Tư Tưởng về Giáo Dục

 

 

Mối quan tâm thường xuyên trong ngành giáo dục là chương trình học cần phát triển con người toàn vẹn, giúp đỡ nẩy nở cả phần tâm và trí. Có sự quan tâm ấy vì người ta nhận xét rằng:

–  Chỉ số thông minh IQ (Intelligent Quotidient) trước đây dùng rộng rãi để xếp hạng, và cho một khái niệm về trí tuệ con người, nay bị coi là thiếu sót và sai lầm nếu sử dụng để cho giá trị cá nhân. Bởi cái tâm một người, óc sáng tạo hay mức độ cảm thông không sao dùng IQ để xác định; nói khác đi số IQ người ấy không cho ta biết về tâm lý, thái độ, mối liên hệ giữa họ với người xung quanh và thế giới bên ngoài. Nhìn vào IQ ta không thể biết cá nhân ấy có rộng lượng, biết yêu mỹ lệ, dễ hòa mình với bạn đồng nghiệp hay những nét khác thuộc về tâm linh.

–  Chỉ số thông minh chưa đủ để nói rằng anh là người mẫu mực đáng noi gương, vì đời sống của một số người có IQ vượt bực (220) cho thấy có nhiều thiếu sót. Họ không làm lâu ở một chỗ vì không hòa thuận với bạn cùng sở, khó kết bạn … Như vậy nếu xét về mặt giao tế bình thường, về những liên hệ tình người trong xã hội, lắm khi người có IQ cao lại thiếu khả năng duy trì tình bạn, hoặc bíến đổi liên hệ tình người cho có ý nghĩa, khiến nó ích lợi hơn cho cả đôi bên.

Mặt khác, thế kỷ trước và thế kỷ này chú trọng vào khoa học và kỹ thuật, nên mới dẫn đến việc quan trọng hóa và sử dụng rộng rãi IQ để đánh giá con người. Khi xã hội học phát triển cùng với tâm lý học, một yếu tố xuất hiện là tâm thức, hay cái tâm, làm công chuyện hóa phức tạp hơn. Phát triển mới đáng nói là  sự tìm hiểu và nhấn mạnh vai trò của Emontional Intelligence hay Emotional Quotient (EQ), đi song song với IQ.
Việc nhìn nhận tâm thức cũng cần được phát triển như lý trí dẫn tới hai nhận định:

1. Từ trước đến nay, xã hội quan niệm giáo dục là tạo cho cá nhân có phương tiện sinh nhai hợp pháp, một khả năng nghề nghiệp giúp họ có sự độc lập về kinh tế trong xã hội. Cha mẹ nghĩ tới điều này khi gửi con đến trường, và sinh viên mong tốt nghiệp sẽ kiếm được việc làm lương cao. Đi tới gốc rễ của vấn đề, ấy là việc tranh sống và thành công ở đời là góp nhặt của cải thật nhiều, rồi được thêm danh vọng thì càng hay.

2. Tuy nhiên, khi công nhận tiềm năng sáng tạo nơi con người và nói rằng cũng như lý trí, óc sáng tạo cần được phát triển, thì một nền giáo dục chỉ nhắm đến thành công khi tranh sống và bỏ quên óc sáng tạo, bị coi là chưa hoàn toàn.

Không phải bây giờ mới có sự nhìn nhận ấy, một số phương pháp giáo dục đã được thí nghiệm để chữa sai sót trên (R.Steiner), nhưng chỉ gần đây sự phát triển tâm thức trong giáo dục mới được nói tới nhiều. Nhằm giúp óc sáng tạo nẩy nở, phương pháp giáo dục mới nhấn mạnh vai trò của trực giác vì nó cần cho óc sáng tạo, vì sẽ không có sáng tạo đúng nghĩa nếu không có trực giác. Nói rộng ra, trực giác cho phép con người khám phá sự thực ấy qua nghệ thuật, tôn giáo, khoa học, triết lý tùy theo khả năng mình.

Sáng tạo không dựa trên chân lý sẽ không trường tồn và như thế, một triết lý tồn tại ngàn năm như Đạo học, Thiền chứa đựng sự thật huyền diệu phải cần trực giác để thấu hiểu. Từ đây ta suy ra mối liên hệ chặt chẽ giữa:

               Trực Giác – Chân Lý – Sáng Tạo

giáo dục như thế đi đúng hướng khi nhận biết mức quan trọng của sáng tạo, cùng vai trò của trực giác.

Trở lại mục đích gần của giáo dục, nó giúp con người ý thức chính mình hầu toàn thiện ba thể, và chân nhân được biểu lộ dễ dàng.Một phần của vấn đề nằm trong sự liên hợp các thể.Nói một cách giản dị, liên hợp chỉ việc những thể liên lạc với nhau dễ dàng; để hiểu rõ ta cần nhắc lại một nét chính của sự sống là cái thanh bai chế ngự cái nặng nề, tức trí năng làm chủ tình cảm mà lại quy phục tâm bồ đề (Trực giác). Muốn đáp ứng với nhau trọn vẹn, mỗi thể được huấn luyện theo một cách; khi xưa ta gọi sự huấn luyện này là tu thân, và thường do cá nhân tự ý thức rồi đặt một chương trình cho mình. Trong tương lai giáo dục sẽ đảm nhiệm phần việc ấy và hệ thống gồm nét chính:

1. Nó xếp trường cho học sinh tùy theo vấn đề chính cần giải quyết, hay phát triển, nằm trong thể nào.

2. Lớp học mà con người được xếp tùy thuộc vào trình độ của trí tuệ và tâm thức.

Hiện tại chưa có dấu hiệu về nét 1, vì muốn làm như vậy, nhà giáo dục phải có thông nhãn (clairevoyance) để quan sát những thể, hầu tìm ra nhu cầu hay điều cần sửa chữa. Về nét 2 đã có khởi đầu về mặt trí tuệ và học sinh Việt Nam đóng góp một phần vào sự cải cách này; đa số các em bị gián đoạn học vấn nên khi tới chỗ định cư, xếp lớp cho các em là điều khó nghĩ. Cho vào lớp xứng với tuổi thì không được vì ngoại ngữ yếu, mà lớp nhỏ thì không chỉnh về mặt tâm lý. Giải pháp tìm ra là xếp học sinh vào trình độ thích hợp không căn cứ theo tuổi hay quá trình, có nghĩa em học toán lớp 10 nhưng ngoại ngữ lớp 7. Nói cho đúng, việc xếp lớp theo khả năng đã có từ lâu nhưng thường chỉ gặp ở trẻ xuất chúng, nay học sinh tỵ nạn đẩy mạnh chương trình thêm. Tuy hệ thống này chỉ gặp ở một vài trường tại Úc và không có gì cho thấy đó sẽ là khuynh hướng mai sau, nhưng tính cách hợp lý của nó làm con người suy nghĩ.

Mục đích xa của giáo dục là cho con người thấy mối tương quan giữa sự vật, đi từ cụ thể sang trừu tượng, từ hiện tượng sang triết lý. Triết lý là nguyên tắc căn bản có được nhờ trực giác và là raison d’être của sự việc, khi triết lý đi từ trừu tượng sang cụ thể, hiện tượng thành hình. Bàn về một hiện tượng mà bỏ quên phần triết lý của nó, thì giống như nhìn một cái cây chỉ thấy phần nổi trên mặt mà không kể đến phần rễ chìm sâu.Người ta có thể khen ngợi vẻ đẹp của cây (phần hữu hình), nhưng nếu không có rễ tạo sinh lực nuôi cây (phần vô hình), vẻ đẹp không thể tồn tại. Mối tương quan là vậy, nhưng không phải trực giác của ai cũng đủ mạnh để nhận biết và hiểu triết lý, nên đa số bèn chọn con đường dễ là nghiên cứu hiện tượng, và ngần ngại không muốn đi sâu vào triết lý.

Cái thí dụ rất gần là bà Blavatsky và những sách vở ban đầu của Hội (Ánh Sáng trên Đường Đạo, Tiếng Vô Thinh), trình bày phần triết lý của Minh Triết Thiêng Liêng: bà Blavatsky cũng nói rõ ý định của Hội là “Giữ cho phần trực giác thiêng liêng của nhân loại được sống động". Sang tới giai đoạn hai phần hiện tượng chiếm ưu thế (Con người hữu hình và vô hình, Chân Sư và Đệ tử…), và sự chú trọng quá mức vào hiện tượng hầu như quên hẳn phần triết lý, đã mang lại nhiều chuyện đáng tiếc.

Liên hợp các thể để chân ngã được biểu lộ dễ dàng, huấn luyện cho con người thấy tương quan của đời sống, một nền giáo dục với các mục tiêu như vậy, lẽ cố nhiên sẽ cho ra một tổ chức xã hội khác với cái ta biết hiện giờ. Phần tâm thức đối chọi với óc thông minh được thấy qua môn học ‘Thương yêu’ của đại học South Carolina; thay vì viết tiểu luận như các lớp khác, sinh viên lớpThương yêu (A 101 LOVE) phải có đủ một số giờ làm công tác xã hội. Giáo sư Leo Buscaglia dạy môn này được gọi là ‘bậc thầy được yêu quí nhất “của nước Mỹ (1). Phần trực giác so với óc phân tích lý luận đang dần được bổ túc cho lối suy nghĩ thường, điển hình là lateral thinkingbrainstorm, hiện được cổ võ mạnh trong các buổi họp quan trọng của các xí nghiệp hay nội các chính phủ.

Dù không biết về Minh Triết Thiêng Liêng, những điều trên cho thấy xã hội đang tiến theo kế hoạch thiêng liêng; khi đời sống dùng máy móc  nhiều, con người làm ít giờ đi và sẽ có nhiều phút rảnh rỗi hơn để sáng tạo, để chuẩn bị cho ngày ấy, việc mở trực giác cần được lưu ý từ phút này.

Ghi Chú.
(1)  Quyển ‘Loving, Learning, Living' của ông rất nên đọc.